CÁC BỆNH VỀ MẮT CÓ THỂ GÂY MẤT THỊ LỰC NẾU KHÔNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ KỊP THỜI

Đôi mắt khi bị mắc một căn bệnh nào đó có thể làm thị lực suy giảm. Cần chăm sóc mắt đúng cách và phát hiện bệnh kịp thời để làm giảm nguy cơ mù lòa.

Có một số bệnh về mắt phổ biến khiến đôi mắt có thể bị suy giảm thị lực nếu mắc phải. Việc của bạn chính là chăm sóc mắt đúng cách. Nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đi khám để tìm cách can thiệp kịp thời. Đôi mắt của bạn sẽ tránh được việc suy giảm thị lực ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Bệnh đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể (hay còn gọi là nhân mắt) là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc. Khả năng thay đổi độ dày của thể thuỷ tinh gọi là sự điều tiết có tác dụng giúp mắt nhìn rõ những vật ở gần.

Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thuỷ tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua. Hậu quả của bệnh là người bệnh bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ và thậm chí có thể gây mù loà.

Tuy đây là căn bệnh phổ biến của người cao tuổi, nhưng những người trẻ vẫn có thể mắc bệnh này.

Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng và thường gặp nhất của bệnh đục thủy tinh thể. Bệnh nhân thường nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thủy tinh thể ảnh hưởng tới tầm nhìn trung tâm, bắt đầu từ việc tầm nhìn mờ khi nhìn xa, sau đó tầm nhìn gần cũng bị ảnh hưởng trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thuỷ tinh.

Mức độ giảm thị lực tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh, ở giai đoạn đầu sẽ mất khoảng 1/10 thị lực, khi bệnh nặng nhất thì người bệnh chỉ còn nhận biết được ánh sáng.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương…Tuy nhiên đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm đa số. Hiện tượng đục thể thuỷ tinh hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.

Bệnh Glocom

Bệnh glocom (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) là nhóm bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác qua cơ chế làm tăng áp lực (nhãn áp) trong mắt.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương ngày càng trầm trọng và cuối cùng dẫn đến tình trạng mất thị lực không hồi phục. Hiện nay, bệnh glocom đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù lòa trên thế giới.

Bệnh glocom thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi người bệnh đang cúi xuống đọc sách và sau những sang chấn tinh thần mạnh. Biểu hiện dễ nhận thấy là mắt bị đau đột ngột. Tình trạng đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên. Khi đó, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ.

Thậm chí, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng chỉ nhìn thấy bóng bàn tay không thấy rõ từng ngón tay. Sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. Đôi khi người bệnh thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết gỉ mắt, mi mắt, sưng nề, mắt đỏ, giác mạc phù nề mờ đục.

Mục đích điều trị glocom là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác. Trong nhiều trường hợp, mặc dù được phát hiện và điều trị glocom, song người bệnh cho rằng đã được chữa trị khỏi hẳn nên không đi khám, theo dõi tiếp. Hậu quả là bệnh vẫn âm ỉ tiến triển dẫn đến mất dần chức năng thị giác. Vì vậy, để phòng tránh mù lòa do glocom cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

Bệnh võng mạc đái tháo đường

Khi bị tiểu đường, bản thân người bệnh cũng không biết mình có biến chứng dẫn đến bệnh võng mạc cho đến khi nó trở nặng, hoặc khi nhìn tầm nhìn xa có vấn đề. Vì vậy, người mắc tiểu đường hãy hết sức lưu ý những thay đổi nhỏ của mắt, đặc biệt là một số triệu chứng dưới đây:

  • Thỉnh thoảng mắt bị mất khả năng nhận biết màu sắc.
  • Cảm thấy mắt bị mờ thoáng qua.
  • Đôi khi mắt sẽ nhìn thấy các đốm đen hoặc các chớp sáng
  • Mắt thường bị nhòe mỗi khi đọc sách báo hoặc lái xe

Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho võng mạc. Trong cấu tạo mắt, võng mạc là lớp chứa tế bào thần kinh phía sau mắt, có chức năng thu nhận ánh sáng để tạo nên hình ảnh.

Khi bệnh chuyển biến càng nặng thì sẽ càng có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn. Các chất dịch thoát ra từ mạch máu sẽ tích tụ làm lớp võng mạc bị tách ra. Nếu không được phát hiện sớm, người bệnh có khả năng bị mù lòa vĩnh viễn.

Viêm màng bồ đào

Màng bồ đào là lớp giữa của bề mặt mắt, và nó chứa phần lớn các mạch máu của mắt (cũng như mống mắt, mang lại màu mắt).Bệnh là tình trạng viêm của màng bồ đào, và nó có thể nhanh chóng biến mất hoặc tồn tại trong một thời gian dài và gây tổn thương cho mắt. Những người có bệnh hệ thống miễn dịch dễ bị viêm màng bồ đào.

Các triệu chứng bao gồm đau và đỏ ở một hoặc cả hai mắt, nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ.

Cách bảo vệ thị lực

Mù lòa là một điều đáng sợ, nhưng rất may có một số bước bạn có thể thực hiện để bảo vệ đôi mắt của mình khi có tuổi. Thực hiện các bước để ngăn ngừa đái tháo tiểu đường và huyết áp cao (có thể gây ra bệnh võng mạc đái tháo đường và thoái hóa hoàng điểm), tập thể dục thường xuyên, đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi tia UV, ăn chế độ ăn uống lành mạnh có đầy đủ chất chống oxy hóa (và bổ sung vitamin cho mắt), không hút thuốc và kiểm tra mắt toàn diện hàng năm. Tập trung vào sức khỏe của mắt chính là một bí quyết để có tuổi già khỏe mạnh.

Nguồn: sưu tầm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *